Trang

29/3/14

Muốn dáng đẹp hãy đi bơi

 Bơi lội là môn thể thao lí tưởng giúp bạn có được sự cân đối hoàn hảo bởi nó tăng cường đồng thời sức khỏe, sự dẻo dai và sức bền của tất cả các nhóm cơ. Bên cạnh việc sử dụng hoạt động của các nhóm cơ chính, bơi còn giúp các khớp hoạt động linh hoạt, nhất là khớp cổ, vai, hông và các chi. Đặc biệt, hoạt động bơi lội giúp cơ thể nhanh chóng đốt cháy năng lượng, yếu tố cơ bản giúp bạn kiểm soát trọng lượng cơ thể: 1 giờ bơi lội giúp cơ thể giải phóng lượng calo tương đương 6 tiếng chạy bộ.




Ưu thế của bơi lội:
So với các môn thể thao khác, môn bơi có ưu thế rõ rệt là trạng thái nổi trong môi trường nước giúp bạn giảm tối đa nguy cơ va đập mạnh do đó tránh được các trường hợp bị thương. Trong môi trường nước, trọng lượng cơ thể bạn chỉ bằng 1/10 so với bình thường đồng thời nước tăng cường biên độ hoạt động của các chi, giúp những bạn có thân hình không được hoàn hảo cũng có thể vận động một cách dễ dàng hơn. Do đó, những bạn gặp khó khăn trong việc thực hiện các bài tập trên cạn như mắc bệnh đau lưng, trọng lượng cơ thể lớn hay thậm chí phụ nữ mang thai ..., thì bơi lội là một giải pháp lí tưởng.

Bơi lội cũng là môn thể thao phù hợp với mọi lứa tuổi để rèn luyện sức khỏe và có một thân hình cân đối. Tùy theo thể lực và trạng thái sức khỏe mà mỗi người có thể lựa chọn cho mình những bài tập phù hợp. Bạn cũng đừng quá lo lắng nếu cơ thể không được thon thả khiến tốc độ bơi không được như ‎ý. Điều bạn nên làm không phải là lo lắng và chú ‎ ý đến những người xung quanh, mà là tự cải thiện tốc độ bơi của bản thân và bơi trong khoảng thời gian phù hợp nhất với thể trạng.


Tùy theo cách bơi khác nhau mà các nhóm cơ được vận động với cường độ khác nhau. Thông thường để sử dụng được tất cả các nhóm cơ chính bao gồm cơ bụng, cơ đùi, cơ đầu gối, dây chằng và các bắp thịt, bạn nên kết hợp giữa bơi sải, bơi tự do và bơi ngửa. Tốt nhất bạn nên luân phiên thực hiện các cách bơi khác nhau để khỏi cảm thấy nhàm chán đồng thời có được tác dụng toàn diện nhất.


Làm thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất khi bơi?


Đối với nhiều người, bơi lội là hoạt động nhẹ nhàng và mang tính chất thư giãn và giải trí là chính. Thường thì việc đến bể bơi giống như một cuộc dạo chơi và vận động nhẹ nhàng, đem lại cảm giác sảng khoái cho một ngày mới hay sau một ngày làm việc mệt nhọc. Đây cũng là một cách thư giãn hiệu quả và có tác động nhất định đối với thể chất cũng như giúp cho tinh thần thư thái.


Tuy nhiên nếu bạn muốn có được những tác động đầy đủ của bơi lội đối với sức khỏe và tận dụng hiệu quả thời gian ở bể bơi, hãy lựa chọn cho mình một chế độ luyện tập cường độ cao hơn và hệ thống hơn bắt đầu từ phần khởi động. Khởi động là hoạt động rất quan trọng đối với bơi lội, thậm chí nhiều khi quyết định hiệu quả của cả quá trình tập luyện. Một chế độ khởi động phù hợp là điều cần thiết cho sự vận động của cơ bắp, tăng nhịp tim một cách từ từ và hạn chế các tai nạn có thể xảy ra khi bơi với cường độ lớn. Ŀể khởi động, bạn có thể đi bộ từ nhà tới bể bơi nếu không quá xa, hoặc đạp xe trong vài phút trước khi bơi, hay đơn giản nhất là thực hiện các động tác bơi nhẹ nhàng khi mới xuống bể trước khi bơi thực sự.


Nếu như bạn mới bắt đầu chế độ bơi giảm cân và giữ cho thân hình cân đối mà cơ thể không được thon thả cho lắm, bạn cũng không nên nóng vội. Hãy bắt đầu với các quãng bơi vừa phải, sau đó duy trì chế độ nghỉ trong 30 giây hoặc một phút sau mỗi lần bơi. Bạn sẽ bị kiệt sức nếu cố gắng ngụp lặn trong thời gian dài mà không nghỉ chút nào, điều này có thể trở nên rất phản tác dụng. Sau khoảng vài tuần khi đã bắt đầu thuần thục, bạn có thể tăng dần quãng thời gian bơi. Khi đã đạt được những hiệu quả nhất định đối với cơ thể, bạn có thể bắt đầu duy trì một chế độ khởi động bằng cách bơi nhẹ nhàng trong khoảng từ 5 đến 10 phút, sau đó bơi trong 20 đến 40 phút và kết thúc bằng các động tác bơi thư giãn trong 5 phút. Trước khi bơi và cả sau khi bơi, bạn nên cung cấp lượng nước đầy đủ để bù lại lượng nước đã bị mất đi khi bơi, bởi bạn rất dễ bị khát nước ngay cả trong khi bơi


Khi bơi, bạn nên chú y giữ tư thế bơi luôn đúng. Tư thế bơi tốt nhất là đầu, hông và chân bạn nằm trên một trục thẳng không vặn vẹo. Các động tác và tư thế của mỗi kiểu bơi có sự liên hệ mật thiết với nhau, bạn nên thực hiện hết sức nhịp nhàng và đúng cách. Vị trí và các chuyển động của đầu và động tác của chân quyết định độ cao của cơ thể trong nước khi bơi, nhịp thở cũng có ảnh hưởng đến sự nhịp nhàng và đường bơi có thẳng hay không. Vì vậy hãy luôn giữ đầu thẳng, thở nhịp nhàng và không đạp chân quá cao đồng thời chú ‎y vặn mình đầu và cả hai phía khi bơi.


Một chế độ bơi thường xuyên từ 3 đến 5 lần trong một tuần có thể cung cấp các vận động cần thiết để đem lại sự săn chắc và dẻo dai cho cơ bắp và giúp bạn có một thân hình cân đối, đồng thời tăng cường hoạt động của hệ tim mạch và hệ hô hấp. Tuy nhiên bơi lội không có nhiều tác động đối với sự phát triển của xương nên ngoài bơi lội ra, bạn nên đi bộ, chạy bộ hoặc tập các bài thể dục khác. Bạn cũng có thể kết hợp bơi lội với các bài tập dưới nước khác như aerobic, đi bộ và yoga dưới nước …


Hành trang khi bơi


Bạn không cần phải mang theo nhiều đồ lủng củng khi đi bơi. Điều tối cần thiết là một bộ đồ bơi tốt và thoải mái nhất cho bạn khi bơi. Không nên chọn đồ bơi quá chật, nên thay thế đồ bơi mới nếu có hiện tượng bị dãn. Nếu bạn bơi tại bể bơi có sử dụng clo để khử trùng, nên sắm một chiếc kính bơi để an toàn cho mắt khi bơi.


Thời gian bơi tốt nhất là vào sáng sớm hoặc chiều tối, nhưng nếu bạn bơi vào lúc có ánh nắng mặt trời thì nên sử dụng loại kem chống nắng dùng riêng trong môi trường nước để bảo vệ da khỏi bị cháy nắng. 

28/3/14

Lưu ý khi cho con đi bơi

Khi bơi, nước thường vào tai, mũi, mắt, gây ù tai, ngứa ngáy trong tai, cay mắt, cay mũi. Nếu bị nước lạnh hoặc bẩn vào sâu phía trong, trẻ có thể bị viêm tai, mũi, xoang (nhất là xoang trán), đau mắt...

Bơi lội là một môn thể thao rất có lợi cho sức khỏe. Tuy vậy, để bảo vệ sức khỏe, tránh những bệnh tật và tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ nhớ những vấn đề vệ sinh cơ bản sau:
Bơi lội ở những chỗ nước sạch: Không nên bơi ở những hồ ao tù hãm, những khúc sông ngòi bẩn có nhiều cống rãnh đổ vào. Nước bẩn có mang sẵn nhiều loại vi khuẩn, gây các bệnh như đau mắt, viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm tai...

Chú ý bảo vệ mắt, tai, mũi, họng: Không nên bơi lội, lặn ngụp dưới nước quá lâu, dù là ở bể bơi hoặc ở sông, hồ sạch. Đối với các em mới tập bơi, thời gian ở dưới nước trong mùa hè không nên kéo dài quá 30 phút. Vào cuối hè, đầu thu chỉ nên ở dưới nước khoảng 15-20 phút. Sau buổi bơi, phải xỉ mũi thật sạch và làm cho nước ra khỏi tai (nghiêng tai có nước xuống phía dưới, nhảy vài lần, làm cả 2 bên). Lau sạch ống tai bằng một que bông sạch. 
Sau khi bơi lội, trẻ nên nhỏ argyrol 1-2% vào mỗi lỗ mũi. Súc miệng và họng bằng nước muối. Các em đang bị đau mắt, viêm tai, mũi, họng, tắc mũi, sổ mũi... tạm thời không nên bơi lội.
Đề phòng nhiễm lạnh: Dù đang mùa hè vẫn phải chú ý đề phòng nhiễm lạnh, nhất là nhiễm lạnh đột ngột, rất nguy hiểm. Có những buổi sáng mùa hè mát trời, nước trong bể bơi hoặc dưới sông, hồ khá lạnh, các em không nên cởi quần áo nhảy xuống nước ngay mà phải khởi động đầy đủ, tập thể dục hoặc tham gia một số trò chơi trên bờ để làm nóng cơ thể trước khi xuống nước.
Tuyệt đối không nhảy xuống nước tắm hoặc bơi lội khi cơ thể đang ra mồ hôi, khi vừa tắm nắng hoặc ăn no. Nhảy ngay xuống nước mát lúc này, trẻ rất dễ bị cảm lạnh đột ngột.
Đề phòng đuối nước: Không được tắm, ngụp, bơi lội ở những chỗ nước quá sâu, nước chảy xiết, có nhiều rong rêu mọc ngầm. Đối với những em mới tập bơi, phải có tổ chức, có người hướng dẫn, thực hiện nội quy, giờ giấc, kỷ luật tốt. Không tự do bơi một mình, không tập bơi khi không có người hướng dẫn hoặc tranh thủ bơi trước và sau giờ quy định. Những em đã biết bơi cũng phải bơi có điều độ, vừa sức. Tai nạn chết đuối không chỉ xảy ra với người không biết bơi.
Nếu nhảy ngay xuống nước khi đang ra mồ hôi nhiều, sau khi vận động nặng hoặc vừa tắm nắng xong, trẻ có thể bị ngất do "trúng nước". Nguyên nhân là cơ thể không kịp phản ứng trước sự thay đổi nhiệt độ quá bất ngờ. Đây là lý do chính làm cho một số người biết bơi giỏi cũng bị chết đuối ngay ở chỗ nước nông. Nếu như những người bị đuối nước thường chết do phổi đầy nước dẫn đến ngạt thở, thì người bị "trúng nước" bị ngất trước rồi sau mới ngạt thở.
Bơi lội lâu quá mức còn có thể dẫn đến chuột rút, một nguyên nhân gây chết người.
BS. Hương LiênSức Khoẻ & Đời Sống

Bơi lội giúp sống lâu hơn

Một ngày vùng vẫy và lặn sâu trong nước có thể làm bạn sống lâu thêm cả năm.
Nếu cần một lý do xác đáng để đến hồ bơi vào hè này, bạn sẽ bắt đầu tìm kiếm và ngạc nhiên biết rằng bơi lội không chỉ giúp cho cơ thể dẻo dai, đẹp hơn mà còn giúp con người sống lâu hơn. Một ngày vùng vẫy, lặn sâu dưới nước có thể giúp tăng tuổi thọ nhiều năm. Một nghiên cứu khoa học mới cho thấy bơi lội giúp tăng tuổi thọ hơn các môn đi bộ và chạy. Trong một nghiên cứu của hơn 40.000 nam giới độ tuổi từ 20 đến 90, được theo dõi trong 32 năm, những người siêng bơi lội giảm 50% nguy cơ chết trong thời gian nghiên cứu hơn là những người đi bộ hoặc chạy.
Kết quả thật bất ngờ đến nỗi nhà nghiên cứu chính, Steven Blair, một giáo sư của khoa học tập thể dục tại Đại học Nam Carolina, do dự, chưa rút ra bất kỳ kết luận rộng rãi nào. "Tôi đã chờ đợi để xem bơi lội và chạy giúp giảm nguy cơ tử vong thấp hơn," ông nói. "Tôi cũng có chút ngạc nhiên khi những người bơi lội nhiều có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với chạy, nhưng thực tế là vậy”
Như là một động viên bơi lội chăm chỉ tập luyện, tôi đã được nghe và giáo dục về những lợi ích sức khỏe của môn thể thao này cho đủ các lứa tuổi. Bơi lội giúp điều họa cách thở để giữ khí, không làm căng các khớp xương như những môn thể thao cần vận động mạnh hơn như chạy và đi bộ. "Người ta có thể suy đoán rằng bơi lội ít dễ bị chấn thương hơn”, Blair nói.
Với vai trò là người tư vấn và biên tập cho các trang tập luyện của tạp chí, Blair cũng không khuyến khích những người đang tập chạy hay đi bộ chuyển sang bộ môn bơi. Các nghiên cứu và thực tế đều chứng minh những lợi ích sức khỏe của tất cả các môn thể thao. Bên cạnh đó, nếu tất cả người bạn thân chơi trong nhóm đều chạy bộ thì chả chắc chắn rằng việc bạn cứ một mình bơi dưới hồ là chuyện đáng làm! Nhưng nếu bạn thích bơi lội, chuyện sẽ có khả năng tăng tuổi thọ nhờ bơi cũng là một lý do đáng lưu tâm. “Ngoài ra, những người không thể đi bộ hoặc chạy, vì viêm khớp chẳng hạn, sẽ thấy một chương trình tập luyện bơi lội là điều rất hợp lý," Blair nói.
Những lưu ý khi bắt đầu tham gia môn bơi
- Kính và các dụng cụ bảo vệ mắt khỏi nước hồ bơi có hóa chất. Nên dùng nước muối sinh lý rửa mắt mũi khi vừa bơi xong. Lưu ý nước hồ bơi không vệ sinh tốt có thể làm viêm mũi, viêm da, vùng kín..
- Nên dùng mũ chụp để bảo vệ tóc khi xuống nước.
- Kem chống nắng là vật bất ly thân nếu bạn vẫn muốn giữ da đẹp và bơi đều đặn.
- Khởi động đủ để tránh chuột rút.
- Không nên bơi khi mới ăn no.

Chí Tâm(dịch từ AARP)

27/3/14

6 tác dụng tuyệt vời của bơi lội

Bơi lội là môn thể thao phù hợp với mọi lứa tuổi để rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai và sức bền của tất cả các nhóm cơ. Hoạt động bơi lội giúp cơ thể nhanh chóng đốt cháy năng lượng, yếu tố cơ bản giúp bạn kiểm soát trọng lượng cơ thể.
Tùy theo cách bơi khác nhau mà các nhóm cơ được vận động với cường độ khác nhau. Thông thường để sử dụng được tất cả nhóm cơ chính bao gồm cơ bụng, cơ đùi, cơ đầu gối, dây chằng và các bắp thịt, bạn nên kết hợp giữa bơi sải, bơi tự do và bơi ngửa. Tốt nhất bạn nên luân phiên thực hiện các cách bơi khác nhau để khỏi cảm thấy nhàm chán đồng thời có được tác dụng toàn diện nhất.

1. Phòng trị bệnh béo phì
Bơi là loại vận động từ đầu đến chân, hơn nữa có hiệu năng massage tự nhiên tốt nhất, có thể thúc đẩy tuần hoàn máu của hệ thống huyết quản toàn thân, tăng cường thay thế, làm tăng tiêu hao mỡ, thúc đẩy sự phát triển của cơ bắp của chân tay, bụng, đùi, lưng… tăng cường công năng cơ quan nội tạng, đề cao sức đề kháng của cơ thể, thực hiện quá trình giảm béo nhẹ nhàng, thoải mái.
Bơi lội là một bài aerobic với tác động và sức ép thấp nhất lên các khớp. Theo các nghiên cứu, toàn bộ cơ thể vận động trong khi bơi sẽ tiêu thụ khoảng 790calo/giờ.
2. Phòng trị viêm khớp
Bơi lội là một dạng tập chịu tác động thấp, sự không trọng lượng của nước giúp giảm áp lực vào các khớp giúp loại bỏ khả năng bị đau lưng, gối và các nhóm cơ khi tham gia các hoạt động mạnh khác. Các chuyên gia về sức khoẻ còn cho rằng bơi lội đều đặn làm cho các khớp hoạt động tốt hơn, có tác dụng trong chữa bệnh viêm khớp mãn tính. Đặc biệt người cao tuổi hay bị đau lưng thì bơi lội là phương pháp lý tưởng để giảm đau.
3. Có lợi cho hô hấp
Bơi lội làm tăng dung tích sống của phổi khá rõ rệt. Dung tích sống của phổi của nhiều vận động viên bơi lội tăng hơn bình thường từ 1,5- 2lít.  Dung tích sống của phổi càng cao, khả năng bền bỉ trong lao động, vận động càng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho hô hấp và làm giảm các cơn hen, nhất là đối với người nghiện thuốc lá.
4. Tốt cho tuần hoàn máu
Áp lực nước vào chân và tay cũng có lợi ích cho hệ tuần hoàn máu. Áp lực nước cộng với áp lực của cơ ép vào các mạch máu giúp lưu thông máu trở lại tim phổi.
Bơi khoảng 30-60 phút, 3-4 ngày mỗi tuần có thể giúp giảm nguy cơ tim mạch, đột quỵ, và tiểu đường. Như một hình thức vận động thường xuyên, bơi lội có thể giúp giảm huyết áp và lượng cholesterol.
5. Phòng trị mất ngủ hoặc chứng suy nhược thần kinh
Do nước có hiệu năng massage tự nhiên đối với cơ thể, bơi là vận động toàn thân, thúc đẩy thần kinh đại não, tuần hoàn máu, hô hấp, tiêu hóa, bài tiết, công năng cơ quan nội tạng được cải thiện và đề cao, vì thế có tác dụng hữu hiệu đối với người mất ngủ hoặc suy nhược thần kinh.
6. Phòng trị bệnh tĩnh mạch
Khi bơi do chân không ngừng vận động trong nước, có thể làm tăng trương lực của cơ bắp, khiến tĩnh mạch của huyết được massage, thúc đẩy sự vận động của huyết dịch, tiêu trừ sự ứ đọng máu dẫn đến tác dụng điều trị và phòng bệnh về tĩnh mạch. Theo bác sĩ Jousselin, Giám đốc Viện nghiên cứu Quốc gia về thể nằm thẳng dưới nước sẽ làm cho máu từ chân về tim, não tốt hơn. Chính vì thế mà mùa hè đi bơi sẽ tránh được các bệnh tim mạch.
Đương nhiên, bơi lội có tác dụng rất tốt đối với cơ thể, nhưng cần phải chú ý tránh những thói quen không tốt trong bơi lội, đó là:
-   Bơi khi đói
-   Bơi ngay sau khi ăn
-   Sau khi vận động quá sức liền bơi ngay
-   Sau khi uống rượu
-   Hút thuốc trước khi bơi
-   Không khởi động trước khi bơi.

26/3/14

Khi bé sợ nước

Khi xuống bể bơi hoặc biển, bé của bạn khóc thét hoặc đơn giản là ôm chặt lấy cổ mẹ. Tình trạng tương tự đã xuất hiện ở nhà mỗi khi bạn tắm cho con. Rất nhiều bé (thậm chí cả người lớn) sợ nước vì các lý do có thể thông cảm được. Với những bé ở tuổi chập chững, sợ nước có thể không có nguyên nhân rõ ràng.

Đứng thúc ép bé

Cứ bắt con phải chạm vào nước chỉ càng làm cho bé thêm sợ hãi bởi bên cạnh nỗi lo về nước nay còn nỗi sợ trước thái độ của người lớn. Hãy bình tĩnh tìm nguyên nhân vì sao con bạn sợ nước. Có thể vì lần nào đó bạn cho con dùng nước quá nóng/lạnh hoặc bé từng bị sóng lớn xô ngã.
Nếu có điều kiện, bạn cần từ từ để bé làm quen với nước. Ví dụ nếu đi biển, bạn dỗ bé tham gia xây lâu đài cát ở mép nước, trong lúc vui vẻ, trò chuyện, khéo léo đưa bé xích gần xuống nước hoặc gợi ý cõng bé xuống chỗ nước nông để bắt cá. Nếu bé thấy bạn đang vui vẻ, bé có thể đề nghị mẹ cho tham gia trong khi bé vẫn được nắm chặt tay mẹ. Nếu bé chịu hợp tác, hãy để cho bé chơi cùng nước theo cách bé thấy dễ chịu nhất. Nếu bé còn e dè và chỉ chơi vài phút với nước đã sợ thì bạn nên cho phép bé quay trở lại sân chơi.
Hoặc bạn nên động viên bé tới rìa (bể bơi, bãi biển) và khuyến khích bé giải tỏa lo lắng bang cách hét lên và chạy khi những con sóng vỗ vào chân bé. Bằng cách này, bé hiểu được rằng, nỗi sợ nước của bé rồi cũng trôi đi.
Nếu bé nhà bạn còn nhỏ thì bạn có thể làm dịu nỗi sợ nước ở bé trước khi nó trở nên ám ảnh bé thực sự bằng cách trấn an bé khi chơi với phao bơi. Khi ở bãi biển hoặc bể bơi, hãy cho bé ngồi vào một cái phao rồi kéo cái phao lại gần bờ biển. Khuyến khích bé vui chơi với nước trong khi bạn vẫn để mắt trông chừng con. Nếu bé thoải mái, có thể đưa bé ra khỏi phao và cùng bé vầy nước trên bờ. Hãy để bé nhìn mẹ nhúng chân sâu vào nước biển và nếu bé muốn bước vài bước, bạn có thể nhúng đôi chân của bé vào nước. Một khi bé cảm thấy vui, bé sẽ thích được chơi cùng nước.
Với những bé lớn hơn thì được tham gia một lớp học bơi sẽ giúp bé hết sợ nước. Bạn có thể nói với bé về cách làm sao để an toàn khi ở bể bơi hay ở biển. Nếu bé không chịu xuống nước thì bạn nên ngồi cạnh bé trên bờ để xem những bé khác vui chơi. Dần dần, bé sẽ thấy bớt áp lực và mong muốn được thử sức như các bạn của bé.

Tại nhà

Bạn cần mau chóng tìm ra nguyên nhân khiến bé sợ nước, sợ tắm. Nhiều khi rất đơn giản vì bé sợ bọt nước tắm hoặc bọt nước gội đầu rơi vào mắt. Nhìn chung, để dạy bé, bạn nên luôn nhớ nguyên tắc “vừa học, vừa chơi”. Thay vì lệnh “con phải đi tắm”, bạn có thể khích lệ con “đem vịt thả xuống nước”. Khi ấy, chắc chắn sẽ không còn khó khăn để bé tự vào chậu nước, đuổi con vịt.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý tách bạch nguyên nhân: Vì bé mải chơi mà không muốn tắm.
- Không để đồ thủy tinh, đồ sắc nhọn trong chậu tắm cho bé (như tiện lấy cốc để dội nước gội đầu hoặc lấy lược làm đồ chơi).
- Không được để bé ngồi một mình trong chậu nước, bồn tắm.
- Khi đi biển, không được rời mắt khỏi bé.
Theo Mẹ và bé

Kinh nghiệm đi bơi an toàn trong mùa hè

Để có một mùa bơi vui vẻ, đừng quên những quy tắc vệ sinh, an toàn dưới đây.
Theo các nghiên cứu gần đây tại các bể bơi, có tới 17% người thừa nhận đã đi tiểu vào bể bơi công cộng, như vậy rõ ràng môi trường này không thể coi là một môi trường vệ sinh. Để đảm bảo một mùa bơi an toàn, vệ sinh trong tầm kiểm soát, hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây. 
Trước hết, bạn nên tắm bằng xà phòng trước và sau khi xuống bể bơi để đảm bảo cơ thể vệ sinh tuyệt đối. Không nên để đến khi về nhà mới tắm rửa và cũng nên vận động những người đi bơi cùng mình thực hiện điều này. 
Đừng nên đi bơi khi bạn đang đau bụng, tiêu chảy vì nước ở bể có thể khiến bạn lạnh bụng; chưa kể đến các vi khuẩn khác có thể xâm hại qua đường miệng. Cũng chính vì vậy, đừng bao giờ ngậm, nuốt nước khi bơi. Hồ bơi có mùi nồng nặc cũng là nơi bạn nên tránh xa vì có nhiều khả năng bể bơi mất vệ sinh cao do nhiều người xuống bơi mà không thay nước thường xuyên. 
Chết đuối cũng là một trong những tai nạn đáng tiếc thường xảy ra ở bể bơi. Vì vậy, bạn chỉ nên bơi khi đã thấy rõ người cứu hộ quanh thành bể. 
Không nên chạy nhảy bên thành bể vì thành bể bơi thường trơn trượt, lại làm bằng vật liệu cứng, rất dễ gây nguy hiểm khi va đập. 
Hầu hết các bể bơi đều có vạch đỏ để chỉ sự thay đổi độ sâu, nông, vì vậy nếu chưa phải tay bơi “lão luyện”, tốt nhất bạn chỉ nên quanh quẩn ở chỗ nông. 
Khi nhảy cầu, hãy hỏi thông tin về độ sâu của bể vì nếu không đủ sâu, bạn có thể đụng đáy bể, thậm chí gãy cổ. 
Chỉ nên xuống nước 45 phút sau khi ăn để tránh đầy bụng, khó thở khi bơi.

25/3/14

Phép màu từ bơi lội

Bơi lội là họat động thể thao thích thú và bổ ích nhất mà ai cũng có thể tham gia. Bơi không như chạy bộ, đạp xe, nâng tạ hoặc các họat động khác, bởi môn này rất lý tưởng cho mọi lứa tuổi hoặc thể trạng.


Khó có môn nào vượt qua một môn thể thao giúp làm chắc khỏe toàn thân, làm dịu tâm trí, cải thiện nhịp thở, kích thích tuần hoàn và không gây căng các khớp như bơi lội.
Không giống như tạ hoặc chạy, vốn tập trung vào một nhón cơ cụ thể, bơi lội mang tới những lợi ích cho thân trên, toàn thân và là cách nhanh nhất để cải thiện thể lực tổng thể, sức bền và hệ tim mạch.
Bơi lội là một dạng tập chịu tác động thấp, sự không trọng lượng của nước giúp giảm áp lực vào các khớp giúp lọai bỏ khả năng bị đau lưng, gối và các nhóm cơ khác khi tham gia các họat động tác động mạnh khác.
Áp lực nước vào chân và tay cũng có lợi ích cho hệ tuần hoàn máu. Áp lực nước cộng với áp lực của cơ ép vào các mạnh máu giúp lưu thông máu trở lại tim phổi.
Khoảng 30 - 60 phút hoạt động thể chất từ 3 - 4 ngày mỗi tuần có thể giúp giảm nguy cơ tim mạch, đột quỵ, và tiểu đường. Như một hình thức vận động thường xuyên, bơi lội có thể giúp giảm huyết áp và lượng cholesterol.
Lượng calo tiêu thụ mỗi giờ liên quan tới việc giảm cân, bơi lội là một hình thức aerobic với tác động và sức ép thấp nhất lên các khớp.
Theo các nghiên cứu, toàn bộ cơ thể vận động trong khi bơi sẽ tiêu thụ khoảng 790calo/giờ. Vậy thì còn lý do gì khiến bạn chần chừ không đi bơi trong những ngày hè sắp tới?
Tuyệt vời để hồi phục sau chấn thương
Tập luyện trong nước cũng là một cách tốt để quay trở lại tập luyện sau chấn thương, hồi phục sau giải phẫu hoặc giữ bạn khỏe mạnh trong khi bạn đang chờ đợi để quay lại với những môn thể thao chịu lực.
Một số người tìm thấy những dạng tập nhẹ nhàng trong làn nước, sự nhẹ nhàng không gây đau đớn như khi họ tiếp xúc với mặt đất cứng.
Phép màu
Có một cái gì đó hơi kỳ lạ về hiệu ứng hồi phục của nước đối với cơ thể của chúng ta, cả thể chất lẫn tâm hồn.
Cơ thể của chúng ta chứa 60% nước và chúng ta lại phát triển từ những bào thai trong môi trường nước. Ở trong nước, ta cảm thấy êm dịu, thanh thản...
Bơi cho trái tim khỏe
Các chuyên gia đã nhấn mạnh rằng bơi lội vô cùng có ích cho sức khỏe và đơn giản là một môn thể thao tốt nhất. Tuy nhiên, đối với nhiều người dường như lợi ích của bơi lội còn chưa mấy rõ ràng.
Điều gì khiến bơi lội trở thành bài tập tuyệt vời như vậy?
“Bơi lội sử dụng phần lớn các nhóm cơ bắp, và nó đòi hỏi trái tim và phổi của bạn phải họat động tích cực".
“Bơi phát triển sức mạnh của cơ và sức bền, đồng thời cải thiện dáng người và sự mềm dẻo".
“Bơi đặc biệt thích nghi với những người quá cân, phụ nữ mang thai hoặc với những người có vấn đề với chân và lưng dưới".
“Bơi là môn thể thao tuyệt vời cho mọi lứa tuổi"
“Bơi mang tới tòan bộ những lợi ích làm tăng sức đề kháng cho cơ thể"
“Bơi không làm căng các điểm nối múi cơ như ở trong các môn aerobic, chạy hay một số môn thể lực khác".
“Bơi thường xuyên, thậm chí với mức độ vừa phải có thể giúp giảm nguy cơ huyết áp ở một số người. Nếu bạn bị huyết áp cao, bạn có nguy cơ lớn mắc phải tim hoặc đột quỵ.
Huyết áp 140/90mmHg (millimeters of mercury) hoặc lớn hơn được coi là huyết áp cao. Bơi hoàn toàn có thể giúp ngăn chặn chứng bệnh này.
Lợi ích với bà mẹ mang tương lai
Bơi là một hình thức tập thể dục tốt nhất trong quá trình mang thai. Nếu bạn đã đi bơi thường xuyên trước đó thì bạn cũng hoàn toàn có thể tiếp tục mà không gặp phải sự điều chỉnh nào.
Nếu bạn không hề tập luyện gì thì bạn cũng nên bắt đầu đi bơi, nhưng hãy có ý kiến tư vấn của bác sỹ trước khi tham gia. Bạn cần phải bắt đầu chậm rãi, căng dãn tốt và trước và sau khi bơi, làm nóng và làm nguội cơ từng bước và không bao giờ cố gắng.
Bất cứ dạng tập aerobic nào cũng giúp tăng khả năng vận động và sử dụng nhiều ô xy, điều này rất quan trọng cho bạn và em bé. Nó giúp tăng cường lưu thông máu, làm cơ bắp săn chắc, và tạo sức bền.
Khi bạn tiêu thụ calo, cảm thấy ít bị kiệt sức, ngủ tốt hơn, và giúp cho cơ thể có thể đối phó tốt hơn với những thay đổi về thể trạng và tinh thần trong qúa trình mang thai.
Đối với tháng đầu mang thai
Sau khi đã tham khảo ý kiến bác sỹ về khả năng vận động, nếu bạn muốn tạo nhiều năng lượng, hãy bơi khoảng 30 phút mỗi ngày để có hiệu quả cao nhất. Bơi vào buổi sáng giúp bạn tỉnh táo hơn và tạo năng lượng suốt cả ngày.
Đối với tháng thứ 2
Thời gian phát triển này của thai nhi không đòi hỏi bạn phải giảm thời gian bơi. Bạn cũng không cần thay đổi thói quen bơi lội, chỉ duy nhất là hãy lựa chọn áo bơi nào rộng rãi vì bụng của bạn bắt đầu to lên.
Trong tháng thứ 3
Nước tác động tới các khớp và dây chằng khi bạn bơi, chống bị thương và giúp chúng không bị làm nóng quá mức. Bơi ếch đặc biệt sẽ mang tới lợi ích trong thời gian này, vì nó làm dãn cơ ngực và làm chắc cơ lưng, 2 khu vực thường sẽ bị “xô lệch” khi cơ thể biến đổi trong quá trình mang thai.
Theo Đàn Ông

Kinh nghiệm vàng khi cho trẻ học bơi

Có những nguyên tắc nhất định khi cho trẻ đi bơi, cha mẹ không nên bỏ qua.

Nhu cầu học bơi tăng cao

Trong những năm qua, các bậc phụ huynh đặc biệt tại nhiều thành phố lớn đã chú ý tới việc cho con đi học bơi ngay từ rất sớm. Đặc biệt, vào mùa hè, các khóa học bơi ngắn hạn luôn kín chỗ. Với những người chậm chân thật khó để tìm được một địa điểm hoặc khung thời gian học hợp lý, nhất là từ 17h chiều - 20h tối.
Có con trai chuẩn bị vào lớp 1, mùa hè này, anh Vinh (Phố Kim Ngưu – Hai Bà Trưng – Hà Nội) cũng sốt sắng tìm chỗ học bơi cho con. Thế nhưng, tìm được được một lớp học bơi như ý muốn vào thời điểm này không hề dễ dàng. Bởi, không ít phụ huynh đã nhanh chân đăng ký cho con trước cả tháng trời hoặc liên hệ với thầy giáo dạy bơi từ cuối năm ngoái để “xí” chỗ trước.
Anh Vinh kể: “Tôi đôn đáo khắp mấy quận, nhưng chỗ nào cũng hết chỗ học vào khung giờ cuối buổi chiều rồi. Chỉ còn trống chỗ học vào buổi sáng đến giữa buổi chiều, thời điểm không muốn vì thời tiết mùa hè rất nắng”.
Tình cảnh của anh Vinh không phải là hiếm trong những năm gần đây, khi nhu cầu học bơi dành cho trẻ em tăng đột biến. Đề phòng sự quá tải, chị Thúy (Nghĩa Tân – Hà Nội) đã nhanh chân tìm bể bơi đạt chuẩn từ cách đây 2 tháng nên hoàn toàn toàn yên tâm. Theo quan điểm của chị Thúy, bơi lội là kỹ năng quan trọng cần phải trang bị để bé mang theo cả cuộc đời.
“Tiền bạc cho một khóa học bơi có đắt đi chăng nữa cũng chỉ vài triệu đồng. Đổi lại con cái sẽ an toàn hơn khi đi biển, đi nơi có nhiều sông nước. Nếu tiếc tiền, không quan tâm đến việc cho con học bơi thì có khi hối hận cũng không kịp”, chị Thúy nói.
Nhiều ông bố, bà mẹ đã cho trẻ tiếp xúc với nước khá sớm. Ban đầu, chỉ cho con đi theo lúc bố, mẹ đi bơi hoặc là nghịch nước để quen dần. Một phụ huynh chia sẻ: “Học bơi cũng như học văn hóa không thể nóng vội được. Theo kinh nghiệm của tôi, bố mẹ nên cho bé ngồi trong chậu nước để vùng vẫy tại nhà hoặc cho bé thỏa sức nghịch nước trong bồn khi tắm với sự giám sát của người lớn. Khi bé lớn hơn, cho đi đến bể bơi để quen dần rồi cho học từ những bài cơ bản”.
Một bà mẹ khác thì đưa ra kinh nghiệm tạo sự hứng khởi cho con trước khi học bơi. Người mẹ này cho biết: “Con gái ít giao lưu tiếp xúc với bên ngoài vì vậy mình muốn con ra ngoài chơi nên hay không nên cho con đam mê 1 môn thể thao .Và mình chọn cho con gái môn bơi lội, mới đầu con không thích đâu mẹ phải dẫn con đi mua sắm, cho con chọn giáo viên, cho con chọn quần áo bơi, cho con vào thăm bể bơi và thấy các chị mặc quần áo đẹp quá, bơi đẹp quá nên con mới bắt đầu. Làm quen với nước lúc đầu còn bỡ ngỡm vì vậy mẹ cho con tiếp xúc nước dần dần. Mỗi ngày một chút, mẹ cho con làm quen và dân dần trở thành thói quen nên mỗi ngày đều đặn mẹ cho con bơi 20 phút mỗi ngày. Mẹ cho con xem các thông tin bơi lội và cho con những bài học động tác bơi đẹp. Mẹ dần cho con đến với bơi nghệ thuật một cách nhẹ nhàng như vậy đó”.

Không nên ép con học bơi

Trao đổi với một số huấn luyện viên bơi lội, hầu hết đều đưa ra lời khuyên các bậc phụ huynh nên cho con cái học bơi. Việc này sẽ giúp tăng thêm sự an toàn, giúp bé có thể phản xạ nhanh hơn khi đi biển hoặc những nơi có sông nước. Những em bé từ 5 tuổi trở lên, không bị các bệnh tật như tim mạch, hô hấp có thể học bơi bình thường. Huấn luyện viên bơi lội.
Thầy giáo Đỗ Đại Việt (Hà Nội) cho biết: “Các bậc phụ huynh thường đưa con đi học bơi từ 6 tuổi trở lên. Ở nước ngoài, chương trình học bơi dành cho trẻ em bắt đầu từ 3 tuổi. Nhưng với người Việt Nam, từ khi vào lớp 1, nhiều gia đình mới cho con đi học bơi. Bố mẹ cũng có thể cho trẻ đi học bơi từ khi 4 tuổi. Nhưng ở độ tuổi này, khi đi học bơi, giáo viên phải quản lý chặt chẽ, giám sát, cầm tay hướng dẫn bé cẩn thận”.
Theo hướng dẫn của các huấn luyện viên, trước khi cho con đi học bơi thì phụ huynh cần chú ý tìm trung tâm uy tín và kiểm tra sức khỏe tổng thể của trẻ. Nếu đưa con khoảng 6 tuổi đến học lớp đông người sẽ khó đưa lại hiệu quả, vì vậy các phụ huynh có thể lựa chọn hình thức cho trẻ học kèm.
“Thời gian bơi khoảng 40 phút – 1 tiếng là vừa đủ. Bởi nếu ngâm nước nhiều quá sẽ bị mất năng lượng, một số người có thể bị dị ứng da, ảnh hưởng đến sức khỏe”, thầy Việt cho biết.
Về chế độ ăn uống, trước khi bơi có thể cho bé ăn nhẹ, tránh ăn quá no và uống sữa. Sau khi bơi, bố mẹ nên cho bé ăn đủ chất dinh dưỡng, tăng lượng protit trong bữa ăn. Trước khi bơi phải khởi động kỹ để tránh bị chuột rút.
Ngoài ra, chú ý khởi động các khớp như khớp gối, khớp hông, khớp khuỷu tay... hoặc chạy nhẹ nhàng. Thông thường có hình thức tắm tráng trước khi xuống bể bơi, điều này không chỉ giúp giữ vệ sinh mà còn giúp cơ thể quen với nước. Khi xuống nước nên đi lại để làm quen với môi trường. Tuyệt đối không nhảy xuống nước và bơi ngay. Sau khi bơi nên nghỉ ngơi từ 10-15 phút rồi mới về nhà.
Còn Giáo viên Như Ý (Bể bơi khách sạn quốc tế Bảo Sơn – Hà Nội) chia sẻ: “Việc học bơi vào các mùa trong năm không riêng gì mùa hè là điều cần thiết. Học bơi để đảm bảo sự an toàn cho trẻ và góp phần đảm bảo sức khỏe”.
Theo cô Như Ý, không nên ép con học bơi quá sớm, cần tạo cho bé tâm lý thoải mái khi học bơi. Nếu bé thích mới có thể học đuợc, còn nếu bé không thích hoặc không đủ thể lực thì chỉ nên cho trẻ tập chơi với nước với sự giám sát của bố mẹ, không đưa vào động tác để luyện tập.
“Nếu bé đi học bơi sớm hơn 6 tuổi thì giữa bố mẹ và nơi dạy cho bé học bơi cần có sự hợp tác với nhau. Bố mẹ có thể đứng trên bờ hỗ trợ giáo viên dưới bể bơi, quan sát con để xem khả năng tiếp thu của trẻ”, cô Như Ý nhấn mạnh.
Theo Eva

24/3/14

Kỹ thuật giúp thoát chết đuối dù không biết bơi

Sự việc 8 nữ sinh ở Mỹ Đức, Hà Nội chết đuối chiều 12-9 khi tắm hồ là lời cảnh báo về nguy cơ khi trẻ không được học bơi. Theo các chuyên gia, mọi người có thể học kỹ thuật "bơi tự cứu" đơn giản sau để tự cứu mình nếu chẳng may rơi xuống nước.


Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm E-Bơi (Hà Nội), cho biết người ta vẫn nghĩ chết đuối là do không biết bơi. Nếu không muốn chết đuối, phải xuống nước học một kiểu bơi nào đó, ví dụ bơi ếch, bơi sải, bơi ngửa... 

Thực tế, nhiều người, kể cả biết bơi, thậm chí bơi giỏi, nhưng vì chủ quan hoặc chuột rút, hay mắc sẵn các bệnh nào đó... vẫn có thể bị đuối nước và lại có cả trẻ em chết đuối ở những nơi nước nông không bơi được như ngã úp mặt vào xô, chậu, chum vại chứa nước trong nhà.

Vì vậy, theo ông Tuấn, ngoài việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống chết đuối với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cần một cách khác để phòng chống đuối nước - một cách giúp mọi người có thể sống sót nếu chẳng may bị rơi xuống nước, dù họ chưa hề biết bơi. Đó là kỹ thuật “Bơi tự cứu” hay “Bơi sống sót”.

Luyện tập cách hít thở và thả nổi rất quan trọng trong phương pháp bơi tự cứu. Hình minh họa: Vũ Minh Chinh, E-Bơi.

Với phương pháp này, người không biết bơi, khi rơi xuống nước vẫn có thể sống sót nhờ thực hiện 4 bước sau đây:

    - Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, trở thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.

    - Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.

   - Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.

    - Khi chuyển động lên xuống, tới trước hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi, hoặc bằng mồm.

Theo ông Tuấn, với cách này, người ta có thể tồn tại dưới nước khá lâu, chờ người đến cứu hoặc lợi dụng dòng chảy để chuyển vào chỗ nông hơn. Và tất cả những bước trên đều có thể luyện tập dần dần trên cạn và có thể giáo dục cho trẻ từ khi còn ở trường mầm non.

 Nhìn nhận về kỹ thuật bơi tự cứu trong việc phòng chống đuối nước, nhất là cho trẻ em, ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục chăm sóc và bảo vệ trẻ em, cho biết đây là một cách đi đúng và cần phối hợp song song giữa luyện tập trên cạn và dưới nước.
Theo VNExpress

Bà bầu đi bơi có an toàn?

Hiện tại tôi đang mang thai tháng thứ 5 và rất yêu thích bơi lội. Đọc sách báo được biết bơi lội là an toàn cho bà bầu nhưng tôi vẫn chưa thực sự an tâm. Rât mong được tư vấn về lợi ích và độ an toàn của môn thể thao này với bà bầu?
Trả lời:
Chào bạn.
Câu hỏi của bạn cũng là thắc mắc chung của rất nhiều mẹ bầu. Chúng ta đều biết rằng tập thể dục khi mang thai rất có lợi cho bà bầu. Theo nhiều nghiên cứu, phụ nữ tập thể dục thường xuyên trong thời gian mang thai sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh, tích cực và năng động hơn những người ít luyện tập.
Lý do mà nhiều chị em bầu chọn bơi lội khi mang thai là do hình thức của môn thể thao này rất đơn giản, bạn sẽ không cảm thấy nặng nề như những môn thể theo khác vì được vận động dưới nước. Bên cạnh đó, bơi lội còn giúp bạn mát mẻ và không bị mất sức như những môn thể thao khác, đặc biệt là trong mùa hè này.
Bơi lội hoàn toàn an toàn với bà bầu.
Những lợi ích từ việc tập bơi lội với bà bầu:
- Cải thiện lưu thông máu trong cơ thể.
- Tăng cường chức năng tim và phổi.
- Tăng cường sức mạnh và độ dẻo dai của cơ bắp.
- Tăng khả năng chịu đựng.
- Giảm sưng phù chân tay trong thời gian bầu bí.
- Đốt cháy calo.
- Giúp ngủ tốt hơn.
- Giảm mệt mỏi.
Tuy nhiên, trước khi tập bất cứ môn thể thao nào cũng như bơi lội, bạn cần được sự cho phép của bác sĩ khoa sản và khi đã được phép, bạn nên thực hiện môn thể thao này đều đặn trong suốt thai kỳ.
Nếu bạn đã từng học bơi lội trước đó hoặc là một vận động viên bơi lội, hãy tiếp tục tập luyện. Trong trường hợp bạn chưa từng tập luyện, bạn vẫn có thể đến với môn thể thao này ngay khi bắt đầu thai kỳ. Khi mới tập luyện, bạn nên học từ từ và tránh vận động quá mạnh hoặc dùng quá nhiều thời gian luyện tập mỗi ngày. Hãy đi ra khỏi hồ bơi bất cứ lúc nào bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc có dấu hiệu lạ.
Tốt hơn hết là bạn nên tập luyện với một chuyên gia để được hướng dẫn chi tiết và an toàn nhất.
Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn!
Theo Eva

Những “hung thần” bể bơi đe dọa sức khỏe của bạn

Bể bơi mát mẻ nhưng lại tập trung rất nhiều nguy hại sức khỏe tiềm ẩn đấy nhé!

Hung thần” của tóc

Tên của những "hung thần" này là Clorua trong hồ bơi, muối ở nước biển và cả ánh nắng mùa hè với những tia cực tím. Những điều này làm cho tóc trở nên xơ xác và chẻ ngọn. Chưa kể ánh nắng còn có thể làm phai nhạt màu tóc, khiến các lớp bảo vệ tóc trở nên yếu đi.
Chính vì thế, hãy thoa kem dưỡng ẩm cho tóc, hoặc có thể làm ướt tóc bằng nước rồi bôi dầu xả trước khi bơi khoảng 30 phút. Sau khi bơi, tóc chúng ta thường rối và ướt. Lúc ấy, tuyệt đối không sấy tóc, cũng đừng vội tạo kiểu tóc sẽ khiến tóc càng thêm hư tổn. Bạn cũng cần lưu ý nhẹ nhàng chải tóc thành từng lọn nhỏ, chải phía đuôi tóc trước bằng lược thưa để tóc không bị rối và tổn thương.
Ngoài ra, khi đi bơi, tốt hơn hết các bạn vẫn nên đội mũ bơi không thấm nước để bảo vệ tóc khỏi những "tên đáng ghét" này nhé!

Hung thần” của mắt

Theo nghiên cứu, bể bơi là nơi cư trú ưa thích của vi khuẩn Chlamydia Trachomatis, thủ phạm gây ra bệnh viêm kết mạc mắt. Vì thế, đeo kính bơi là việc làm cần thiết cho cho hoạt động bơi lội của bạn.
Hãy chọn loại kính áp chặt khuôn mặt, không khe hở. Thêm một lưu ý nữa là tránh dùng tay tháo lắp và lau kính nhiều lần vì nó có thể khiến vi khuẩn từ tay thâm nhập vào kính và tấn công mắt. Cuối cùng, thường xuyên dùng thuốc nhỏ mắt sau khi bơi là việc làm quan trọng giúp mắt bạn tránh xa được những vi khuẩn ở bể bơi.

Hung thần” của làn da

Hóa chất trong hồ bơi và ánh nắng mặt trời lần nữa lại là những "hung thần" đối với làn da chúng ta. Lý do là vì làn da rất nhạy cảm, khi tiếp xúc với clo trong nước bể bơi nhiều có thể làm da bị khô và ráp.
Vì thế, trước khi đi bơi, bạn đừng quên thoa kem chống nắng nếu đó là bể bơi ngoài trời. Khi thoa kem, bạn cần lưu ý đến vùng tai, cổ, chân và những vùng nhạy cảm khác trên cơ thể. Kem chống nắng sẽ giúp làn da bạn không bị đen sạm và loại trừ nguy cơ ung thư da. Khi chọn mua kem chống nắng, bạn cần lưu ý đến chỉ số SPF trên 30 và loại không thấm nước khi đi bể bơi.
Thêm vào đó, đi bơi vào khoảng thời gian sáng sớm là thời điểm thích hợp nhất, tránh bơi vào thời gian từ 10h - 15h vì lúc này tia cực tím từ mặt trời hoạt động mạnh mẽ nhất, rất dễ gây hại cho làn da.
Ngoài ra trước khi đi bể bơi, bạn cần uống đủ lượng nước cơ thể cần để không bị khử nước trong quá trình bơi, vì điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến vẻ đẹp của làn da. Cơ thể được cung cấp đủ lượng nước thì làn da sẽ căng mịn, láng bóng. Ngược lại thiếu nước làn da sẽ bị lão hóa, hình thành nhiều nếp nhăn và mất đi vẻ tươi sáng.

Hung thần” của bộ ba tai – mũi – họng

Nước hồ bơi thường quấy rối tai và mũi, gây nên triệu chứng sặc nước và ù tai. Còn "kẻ thù" của họng lại là tên Cryptosporidium siêu nguy hiểm có khả năng gây nên bệnh tiêu chảy cấp, khiến cơ thể mất nước liên tục và rất nhanh, nguy cơ dẫn dến tử vong là rất cao.
Để phòng ngừa, bạn cần súc miệng sạch sau khi bơi để đuổi bớt vi khuẩn, làm sạch hóa chất gây hư tổn men răng, hôi miệng. Trong khi đó, tai lại rất cần bạn nghiêng đầu lúc lắc với một chân lò cò để lượng nước bên trong tai sẽ thi nhau chạy ra ngoài hết.

Hung thần” của tam giác giới tính

Theo nghiên cứu gần đây, môi trường hồ bơi cũng có thể gây bệnh phụ khoa. Các bạn gái được khuyến cáo rằng nếu còn trong thời kỳ đèn đỏ, hoặc trước và sau 3 ngày nên hạn chế đi bơi. Sau khi bơi, để phòng tránh các nguy cơ bệnh tật, bạn nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín. Việc đi vệ sinh sau khi bơi cũng góp phần “đào thải” phần lớn vi khuẩn ra ngoài nữa đó!
Ngoài ra, thành bể bơi cũng là nơi tập trung rất nhiều vi khuẩn, do đó chúng ta không nên tuỳ ý ngồi bên bể bơi mà chưa mặc áo choàng, hoặc khoác khăn tắm.
Theo Kenh14

21/3/14

Những điều nên biết khi đến bể bơi công cộng


Khi tới bể bơi công cộng, xin lưu ý một số điểm dưới đây:  
  
1 - Những ai bị bệnh ngoài da, bị các bệnh về mắt, vừa ăn no, đã uống nhiều bia rượu đều không được xuống bể bơi; 

2 - Trước khi xuống nước, nhất thiết phải tắm tráng cho sạch bẩn, sạch mồ hôi. Việc  này lợi cho bạn và cả cho mọi người (Win - Win Solution). Nhớ rằng xuống bể để bơi, để học bơi chứ không phải để tắm. Nếu không, chẳng may dại miệng, bạn húp phải ngụm nước trong cái bể có những anh chàng và những cô nàng lúc kỳ cái này, lúc cọ cái kia một cách vô tư hay kín đáo cả bên trên hoặc bên dưới mặt nước thì thôi rồi. Xin hãy giữ vệ sinh chung, một người vì mọi người và mọi người vì một người;  

3 - Trước khi xuống bể, phải vận động làm nóng cơ thể phòng cảm lạhnh, chuột rút; 

4 - Khi đi bơi, cần chuẩn bị đầy đủ "bơi cụ": Quần áo bơi, quần áo thay, khăn tắm kính bơi, nút tai, nước tắm, gội đầu và các vật cần thiết khác. Kính bơi chống nước vào mắt và giúp bạn quan sát dưới nước. Nút tai phòng trách các bệnh về tai;  

5 - Người mới tập nên bắt đầu ở chỗ nước không quá sâu, ngang ngực để khi gặp sự cố, vẫn kịp đứng lên, thò mũi trên mặt nước mà thở;  

6 - Nên tập ở góc bể, tránh bơi cắt ngang bể làm ảnh hưởng đến những người đã bơi thạo.

Chọn quần bơi theo dáng người

Việc chọn quần bơi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vẻ thanh lịch của bạn. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn vài thông tin bổ ích trong việc lựa chọn quần bơi tùy theo dáng người và màu da.

Quần bơi cho các bạn nam cao, dáng thể thao

Nếu bạn có dáng thể thao và cao ráo sẵn thì bạn đã thuộc nhóm an toàn. Bạn không cần phải suy nghĩ nhiều khi lựa chọn đồ bơi. Điều duy nhất nên lưu ý là chọn màu sắc. Nên lựa chọn quần áo bơi có màu sắc hài hòa với màu da. Màu sắc quá đậm hoặc quá sáng cũng đều không đẹp.

Quần bơi cho các bạn nam thấp người

Nếu bạn hơi thấp người, tốt hơn hết nên chọn kiểu quần brief và loại quần có đường cắt cao hơn. Điều này làm cho chân dài hơn và do đó khiến cho bạn như cao thêm một vài phân.

Chọn quần bơi theo vòng eo

Chọn quần lưng thấp chỉ hợp với những bạn có phần bụng đẹp. Nếu bụng có quá nhiều mỡ hoặc to, tốt hơn là chọn quần có lưng bao quanh rốn.

Quần cho bạn có dáng người ốm

Nếu bạn hơi gầy và có chiều cao trung bình hoặc thậm chí hơi cao, tốt nhất hãy chọn quần bơi hơi rộng một chút. Về màu sắc nên chọn màu sáng để nó không tạo ra sự tương phản với làn da bạn càng khiến bạn trông gầy hơn.

Quần cho bạn có dáng người to

Nếu bạn có dáng người lớn, cao và với một khung vai rộng, tốt hơn nên chọn quần short hơi dài. Điều này giúp trung hòa dáng người to của bạn. Nếu bạn thích quần bơi có hoa văn, nên chọn màu sáng và có hoa văn nhỏ.

Quần cho bạn có dáng người béo

Nếu bạn thừa cân, nên chọn quần bơi dạng short có độ dài trung bình với màu sắc đơn. Quần bơi có hoa văn không phải là ý tưởng hay. Nếu cơ thể bạn không săn chắc, hãy kết hợp một chiếc áo thun với quần bơi short.
Mẹo chung: Nếu bạn cảm thấy không chắc chắn về độ dài quần phù hợp, hãy chọn quần short bãi biển dài đến đầu gối. Đây là chuẩn mực cho tất cả.
Theo Đàn ông.com

Nên cho bé học bơi sớm, tại sao lại như vậy?

Dạy bơi cho bé từ những tháng đầu đời đã không còn là chuyện mới mẻ trên thế giới. Ở Việt Nam, trào lưu này đang dần trở nên phổ biến.
Nhiều bậc cha mẹ đang bắt đầu học hỏi những kỹ thuật dạy bơi cho bé ngay từ những tháng đầu đời. Bơi lội không chỉ đem lại cho bé niềm vui, tăng sự tương tác giữa cha mẹ với con cái, mà còn là một cách tuyệt vời để bạn học hỏi kinh nghiệm nuôi dạy con từ các bậc cha mẹ khác.
Ngay từ những năm 1960, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh có thể tồn tại dưới nước một cách độc lập. Kể từ đó, bơi lội được tin rằng có khả năng thúc đẩy sự tự tin và phát triển năng lực cá nhân ở trẻ - cả về thể chất và tình cảm. Môi trường nước giúp bé di chuyển dễ dàng hơn so với ở trên đất liền. Một điều nữa, bơi lội đem lại lợi ích vô cùng to lớn cho các bé bị hội chứng Down và bại não.
Những lợi ích khi dạy bơi cho trẻ
Những lợi ích mà bơi lội mang lại cho trẻ bao gồm: tăng cường khả năng vận động; rèn luyện kỹ năng xã hội và trí thông minh; nâng cao sự tập trung, tỉnh táo, và khả năng nhận thức; cải thiện giấc ngủ cho bé. Những em bé được học bơi thường biết đi sớm, do chúng có khả năng kiểm soát cơ thể tốt hơn.
Một em bé sẽ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc khi được vùng vẫy trong nước ấm. Bạn không cần phải lo lắng về khả năng hít thở của bé, bởi vì chúng sẽ tự động nín thở trong khi ở dưới nước. Đây được gọi là phản xạ lặn ở động vật có vú. Hơn hết, chúng đã dành cả 9 tháng để “bơi” trong bụng mẹ.
Không cần phải có hồ bơi riêng, bạn có thể đưa con bạn ra bể bơi công cộng để bắt đầu dạy bơi cho trẻ. Không có giới hạn tuổi tác, bé thậm chí có thể bắt đầu học bơi ngay sau khi sinh. Tốt nhất, bạn nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Hãy nhớ rằng, bạn càng do dự, sự tự tin của con bạn trong nước sẽ giảm dần theo thời gian.
Trong năm đầu tiên, một vài bé có thể sợ hãi khi xuống nước. Bạn không nên bắt ép trẻ phải học nếu chúng không muốn. Điều này có thể sẽ tạo thành một vấn đề tâm lý với trẻ về sau.
Hãy kiên nhẫn
Đừng mong đợi con của bạn có thể bơi lội giống như một tuyển thủ chuyên nghiệp ngay từ khi bắt đầu. Đây là một quá trình mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Mặc dù trẻ không thể bơi trên mặt nước ít nhất cho đến khi ba tuổi, chúng có thể bơi một khoảng cách ngắn dưới nước với sự giúp đỡ và khuyến khích của cha mẹ. Bạn có thể sắm một chiếc máy ảnh chụp dưới nước để ghi lại thời điểm đặc biệt này.
Theo BabyTips

11/3/14

Mẹ bầu có nên đi bơi thường xuyên?

Bơi lội thực sự là môn thể thao rất hấp dẫn và tuyệt vời cho bà mẹ đang trong thời kì mang thai, dưới đây Sun Swimming (www.dayboi.net) sẽ cùng bạn tìm hiểu những lợi ích và một số lưu ý mẹ bầu không thể bỏ qua nếu muốn chọn bơi lội là môn thể thao mình sẽ tập khi mang thai.

Lợi ích của bơi lội trong thời kỳ mang thai


Bơi lội là môn thể thao lý tưởng vì nó tác động lên cả 2 vùng cơ chính của cơ thể (tay và chân). Mặc dù chỉ tác động nhẹ nhàng nhưng bơi rất có lợi cho hệ tim mạch và khiến phụ nữ mang thai có được cảm giác không trọng lượng khi mà cơ thể đang dần tăng cân. Đặc biệt, nguy cơ bị chấn thương đối với các mẹ bầu khi bơi là rất thấp so với các môn thể thao khác.
Bất kỳ một môn thể dục thể thao nào cũng giúp cơ thể tăng cường khả năng xử lí‎ và trao đổi oxy, điều này đặc biệt quan trọng với cả mẹ bầu và thai nhi. Và bơi lội cũng cũng vậy, nó giúp cải thiện hệ tuần hoàn, làm săn chắc cơ, tăng sức chịu đựng cho cơ thể. Hoạt động này còn giúp bà bầu đốt cháy calo, cảm thấy đỡ nặng nhọc, ngủ sâu hơn và dễ thích nghi hơn với những thay đổi về tâm sinh lí trong thai kỳ.
Như đã nói ở trên, bơi lội được đánh giá là một trong những hình thức luyện tập an toàn nhất. Nếu bạn đã thường xuyên đi bơi trước khi mang thai, thì trong thai kỳ, bạn vẫn có thể tiếp tục mà không cần phải thay đổi nhiều. Ngược lại, nếu đây không phải là thói quen của bạn thì bạn nên thử nghiệm nó bởi nó sẽ mang lại những tác dụng tuyệt vời đối với cơ thể người mẹ và thai nhi, với điều kiện bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn trước. Lưu ý, mẹ bầu nên bắt đầu một cách thật chậm rãi, cử động một cách thoải mái từ từ trong quá trình khởi động và kết thúc, và luôn nhớ rằng không được làm quá sức mình.
Khi bạn ở dưới dưới nước luôn nhớ phải giữ cân bằng lượng nước trong cơ thể. Theo Tiến sĩ James M.Pivarnil, Đại học bang Michigan thì chưa có khuyến cáo chính thức về việc phụ nữ mang thai nên uống bao nhiêu nước khi tập thể dục, nhưng có một hướng dẫn rất phù hợp là bà bầu nên uống một cốc nước (khoảng 220ml) trước khi bắt đầu bơi, sau mỗi 20 phút bơi lại uống 1 cốc như vậy, và một cốc sau khi bơi xong. Trong thời tiết nóng ẩm, mẹ bầu có thể uống nhiều hơn.

Lời khuyên cho ba tháng đầu tiên

Nếu thể lực cho phép, những phụ nữ mang thai nên bơi ít nhất 30 phút mỗi ngày. Bơi vào buổi sáng sẽ giúp mẹ bầu quên cơn buồn nôn và tiếp thêm sinh lực cho cả ngày.

Lời khuyên cho ba tháng tiếp theo


Cho dù đã bước sang giai đoạn giữa của thai kì, nhưng bạn không bắt buộc phải bơi ít đi vì có khá nhiều kiểu bơi nhẹ nhàng phù hợp đối với cơ thể mẹ bầu. Đồng thời, mẹ bầu có thể không cần phải thay đổi chế độ luyện tập, nhưng có một lưu ý về đồ bơi là phải thật sự thoải mái vì lúc đó vòng 2 đã và đang to ra.

Lời khuyên cho 3 tháng cuối


Môi trường nước sẽ hỗ trợ khớp và dây chằng của mẹ bầu khi bơi, ngăn ngừa chấn thương và cũng giúp mẹ bầu cảm thấy mát mẻ. “Kiểu bơi ếch đặc biệt có lợi trong 3 tháng cuối của thai kỳ, bởi vì nó giúp thư giãn và cân bằng các cơ ở vùng ngực và vùng lưng. Đây là hai vùng thường bị lệch do những thay đổi trong quá trình mang thai”, bà Julie Tupler, huấn luyện viên, người sáng lập Maternal Fitness, một chương trình tập thể dục cho phụ nữ mang thai tại thành phố New York cho biết.

Kiểu bơi tốt nhất cho phụ nữ trong thai kỳ


Kiểu bơi ếch và ngữa có lẽ là sự lựa chọn tốt nhất cho bà bầu vì nó không đòi hỏi phải xoay người (như là kiểu bơi sải) và không mất nhiều sức. Ngoài ra, nó làm giảm đáng kể sự căng thẳng gia tăng ở phía sau do trọng lượng phần bụng tạo ra. Trong khi việc mang thai thường khiến giãn cơ, thay đổi hình dạng cột sống và xương chậu, thì kiểu bơi ếch này sẽ nhẹ nhàng làm săn chắc các bắp cơ và ngăn ngừa những hiện tượng đó.
Một kiểu bơi khác cũng rất tốt đó là bơi ngửa. Vì nước làm giảm những tác động của lực hấp dẫn lên cơ thể, nên bà bầu có thể nằm ngửa mà không phải lo sợ tuần hoàn máu bị suy giảm trong khi điều này rất dễ xảy ra và gây nguy hiểm nếu bà bầu nằm ở tư thế đó và tập thể dục trên sàn khô ráo. Tuy nhiên, nếu bơi ngửa sau tuần thứ 16 thai kỳ, dù trong thời gian ngắn hay dài cũng gây cảm giác rất khó chịu vì khối lượng của thai nhi sẽ hoàn toàn tạo áp lực lên động mạch chủ. Vì vậy khi thấy đau, bạn nên ngừng kiểu bơi này.
Ngoài ra, các bà bầu cần chú ý là chất lượng nước hồ bơi. Thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng hàm lượng chloroform trong hồ bơi có ảnh hưởng đáng ngại đến sức khỏe người tiếp xúc.

Nguồn: Internet

ST
-----------------------
Sun Swimming
www.Dayboi.net
www.Doboidep.com
-----------------------